Toán học Việt Nam trong top 40 thế giới, đứng đầu ASEAN
Ngày 23/12, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ; GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trực tuyến từ Chicago (Hoa Kỳ) và đông đảo các nhà khoa học, cộng đồng Toán học Việt Nam.
Toán học Việt Nam trong top 40 thế giới
Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 được Chính phủ phê duyệt ngày 17/8/2010. Bộ GDĐT là cơ quan chủ quản thực hiện Chương trình, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán là đơn vị thường trực điều phối Chương trình. Đây là một Chương trình trọng điểm quốc gia đầu tiên được ban hành riêng cho một lĩnh vực khoa học cơ bản.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tới dự và chúc mừng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán
Một trong những thành tựu của Chương trình là đã xây dựng thành công Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán thành trung tâm Toán học xuất sắc khu vực. Sau 10 năm hoạt động với uy tín của GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học và các thành viên Hội đồng khoa học của Viện, bao gồm các nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế, Viện đã tạo dựng được một môi trường học thuật tiên tiến, được cộng đồng Toán học trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Sự ra đời và phát triển của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của Toán học Việt Nam. Nhờ chương trình khoa học phong phú, chất lượng cao, hiệu quả và cách thức tổ chức chuyên nghiệp, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán được Hội Toán học Châu Âu công nhận là một trong số ít “Trung tâm Toán học xuất sắc khu vực” của các nước đang phát triển giai đoạn 2013-2017. Năm 2018, Viện tiếp tục được công nhận là Trung tâm xuất sắc của khu vực giai đoạn 2019-2023.
Chương trình cũng tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà Toán học Việt Nam trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu khoa học, thu hút các nhà toán học hàng đầu thế giới đến làm việc. Đồng thời, tổ chức thành công các hội nghị Toán học quốc tế lớn, góp phần nâng cao vị thế Toán học của Việt Nam. Các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tài năng Toán học đạt kết quả tốt. Các hoạt động phổ biến Toán học thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, trong gia đình, nhà trường và xã hội.
“Những thành tựu nói trên của Chương trình đã góp phần đưa Toán học Việt Nam từ vị trí 55 lên vị trí thứ 35-40 trên thế giới và đứng đầu khối ASEAN (ở đây chỉ xét đến tiêu chí số lượng công bố quốc tế). Đây là một thành tích rất ấn tượng trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới và ngay ở khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã đầu tư rất mạnh cho khoa học cơ bản và toàn bộ hệ thống các cơ sở nghiên cứu, đào tạo với kinh phí rất lớn”, PGS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán chia sẻ.
Hình thành “hệ sinh thái” dạy học, nghiên cứu về Toán
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được sau 10 năm triển khai Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. Năm trong số sáu mục tiêu cụ thể của Chương trình đề ra đã đạt được, với nhiều kết quả nổi bật. Chương trình cũng góp phần hình thành bước đầu “hệ sinh thái” cộng đồng dạy học, nghiên cứu về Toán tại Việt Nam.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại sự kiện
Đánh giá về hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Bộ trưởng cho rằng, dù mô hình hoạt động bao gồm cả Ban Giám đốc và toàn bộ văn phòng chỉ có 15 người, nhưng đã nhanh chóng tạo lập được uy tín trong cộng đồng khoa học thế giới. Viện đã thu hút được số lượng đông đảo các nhà toán học quốc tế cũng như các nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài đến làm việc, tham gia tổ chức các hoạt động khoa học, trong đó có nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới. Sự tham gia trực tiếp của các nhà toán học quốc tế đã thực sự tác động mạnh đến các nhóm nghiên cứu trong nước, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ.
Nhấn mạnh phát triển luôn luôn phải có sự hoàn thiện, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong rằng, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tiếp tục phát huy điểm mạnh, từng bước chuyển dần sang nghiên cứu ứng dụng, hướng tới có sự đặt hàng nghiên cứu từ các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết, Bộ GDĐT sẵn sàng kết nối, hỗ trợ để cùng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán thực hiện định hướng này.
Đánh giá cao việc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động hướng về các trường phổ thông, hỗ trợ tích cực cho đội ngũ giáo viên dạy Toán, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động hướng về trường học, từ đó hình thành đội ngũ giáo viên giỏi Toán trong các trường phổ thông để làm hạt nhân, cốt cán bồi dưỡng, bồi dưỡng lại cho đồng nghiệp, tạo sự lan tỏa bền vững trong toàn hệ thống. Đồng thời, tạo điều kiện để đội ngũ này được tiếp cận với các nhà khoa học quốc tế có uy tín.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, GS Ngô Bảo Châu cho biết, hướng trong 10 năm tới là sự chuẩn bị đồng đều cho chất lượng nghiên cứu khoa học, để Toán học Việt Nam có vị trí ổn định trên bản đồ thế giới, không chỉ là con số trên bảng xếp hạng mà còn là về nhận thức. Theo GS Ngô Bảo Châu, Toán học Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, vì vậy, đội ngũ Toán học phải cố gắng lớn hơn nữa, tăng cường các hoạt động trải nghiệm Toán học, đẩy mạnh Toán học ứng dụng, đồng thời, duy trì tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi Toán trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới đều dành sự ưu tiên đặc biệt với Toán học.
Phấn đấu năm 2030 có trường đại học vào top 400 thế giới về Toán học
Trước đó, ngày 22/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021-2030.
GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tham dự trực tuyến từ Chicago (Hoa Kỳ)
Chương trình có mục tiêu chung là tiếp tục phát triển toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Trong các mục tiêu cụ thể, chương trình đưa ra một số mốc và con số để “phấn đấu” như: đến năm 2030, phấn đấu có 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong top 500 của thế giới về lĩnh vực toán học, trong đó ít nhất 2 cơ sở được xếp hạng trong top 400.
Phấn đấu tăng gấp đôi số lượng công bố trên các tạp chí trong danh mục tạp chí có uy tín trên thế giới (tạp chí SCIE) so với giai đoạn 2010-2020; tăng gấp đôi số lượt nhà khoa học nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài) đến làm việc, trao đổi và hợp tác khoa học được hỗ trợ từ chương trình so với giai đoạn 2010-2020
Phấn đấu có ít nhất 5 hướng nghiên cứu chủ đạo về toán ứng dụng và toán trong công nghiệp, với đội ngũ có năng lực thực hiện các chương trình, hợp đồng nghiên cứu - phát triển với nhà nước, doanh nghiệp; hỗ trợ, phối hợp và tham gia đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành toán, toán ứng dụng và thống kê, trong đó 50% nghiên cứu sinh có ít nhất 2 công bố trên tạp chí SCIE…
Bộ GDĐT sẽ là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030.